Sa sút trí tuệ, mà ở Việt Nam thường hay được gọi là lẫn, lẫn mã, hay quên, là việc suy giảm chức năng nhận thức ( tức là suy nghĩ, trí nhớ, lý luận) và suy giảm hành vi đến mức ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
Khi ông bà là người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ thì điều quan trọng là hiểu về sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ có các triệu chứng:
- Giảm trí nhớ ngắn hạn
- Ít nhất có giảm một trong các lĩnh vực nhận thức sau:
- Thất ngôn – Giảm ngôn ngữ
- Thất dụng – Giảm trí nhớ vận động
- Mất nhận biết – Giảm trí nhớ cảm giác
- Giảm khả năng tổng hợp, suy luận/giảm chức năng điều hành
- Giảm hoạt động xã hội và /hoặc nghề nghiệp
- Các rối loạn về hành vi:
- Thay đổi nhân cách xuất hiện sớm: Thụ động ( thờ ơ, cách ly xã hội), mất kiềm chế, kích động.
- Trầm cảm
- Xuất hiện hoang tưởng, ảo giác
- Rối loạn giấc ngủ
Sa sút trí tuệ là một bệnh, có nhiều nguyên nhân gây nên sa sút trí tuệ và có những người mắc sa sút trí tuệ do 2 nguyên nhân trở lên. Ví dụ 40-60% người bị bệnh Alzheimer mắc cả sa sút trí tuệ do mạch máu.
Nguyên nhân chính của sa sút trí tuệ bao gồm:
- Bệnh Alzheimer là nguyên nhân sa sút trí tuệ hay gặp nhất tại Mỹ. Nó gây ra do teo não và suy giảm những chất hóa học dẫn truyền thần kinh giữa những tế bào não.
- Sa sút trí tuệ do mạch máu là kết quả của đột quỵ hoặc giảm lưu lượng dòng máu lên não gây ra sự chết của các tế bào.
- Sa sút trí tuệ thể Lewy (sa sút trí tuệ thể Lewy và sa sút trí tuệ trong bệnh Parkinson) gây ra bởi những protein bất thường lắng đọng trong não. Nó gây giảm trí nhớ và các triệu chứng của bệnh Parkinson.
- Sa sút trí tuệ trán thái dương (bệnh Pick) bao gồm những phá hủy của tế bào thần kinh trong phần thái dương và phần trán của não.
Các nguyên nhân khác có thể gây mất trí nhớ
Vấn đề cảm xúc ví dụ như trầm cảm, có thể gây khó khăn trong việc tập trung, làm giảm trí nhớ, hay bị quên và có thể nhầm với sa sút trí tuệ. Thêm vào đó, các vấn đề cảm xúc có thể gây xấu đi các triệu chứng nhận thức của người bị sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ có thể gây ra do thuốc, nhiễm trùng, ngã hoặc chấn thương sọ não.
Đột quỵ có thể gây mất trí nhớ cấp tính hoặc mạn tính. Uống rượu và ngộ độc cấp tính cũng có thể gây ra vấn đề về trí nhớ. Uống rượu mãn tính và bệnh gan thận mãn tính có thể gây mất trí nhớ.
Điều trị sa sút trí tuệ :
Hiện tại, chưa có cách chữa khỏi bệnh sa sút trí tuệ. Điều trị sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer, tập trung vào duy trì khả năng nhận thức, kiểm soát các triệu chứng hành vi và làm chậm lại các triệu chứng.
Hiện tại có 4 loại thuốc được chấp nhận điều trị bệnh Alzheimer : Donepezil (Aricept), rivastigmine (Exelon) và galantamine (Reminyl) dùng để điều trị bệnh Alzheimer nhẹ và vừa. Memantine (Namenda) và donepezil (Aricept) được dùng điều trị cho bệnh Alzheimer giai đoạn vừa và nặng. Những thuốc này không làm chậm lại bệnh và không giúp hồi phục trí nhớ và các hoạt động chức năng trở lại bình thường. Lợi ích của những loại thuốc này là hạn chế.
Thuốc cho bệnh Alzheimer cũng có thể dùng để điều trị sa sút trí tuệ do mạch máu, sa sút trí tuệ thể Lewy và sa sút trí tuệ do bệnh Parkinson.
Những điều trị mới cho sa sút trí tuệ đang được phát triển và thử nghiệm. Nó bao gồm các thuốc làm chậm tiến trình bệnh và quản lý triệu chứng, thuốc để điều trị những nguyên nhân tiềm ẩn của sa sút trí tuệ, luyện tập, và liệu pháp tế bào gốc.
Người mắc sa sút trí tuệ có thể có các hành vi như:
- Hành vi tình dục bất thường
- Giảm khả năng định hướng không gian, đi lạc ở những nơi quen thuộc
- Giảm khả năng nói, khó khăn khi tìm từ, nói năng lung tung
- Giảm khả năng ghi nhớ thông tin và các sự kiện
- Rối loạn giấc ngủ
- Xung đột, kích động, gây hấn
- Đại tiểu tiện không tự chủ
- Xuất hiện ảo giác, hoang tưởng
- Đi lang thang
- ….
SSTT giai đoạn đầu là khó khăn đối với người bệnh. Người bệnh có thể hiểu rằng họ đang gặp vấn đề về trí nhớ và phán đoán. Họ thường bị cảm giác buồn chán và mất mát.Là người chăm sóc, có những điều Ông/bà có thể làm để giúp đỡ người bệnh tự chăm sóc bản thân và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Tags: sa sút trí tuệ, sa sút trí tuệ là gì