Chăm sóc người mắc bệnh Alzheimer có thể gặp nhiều khó khăn. Người bệnh có nhiều thay đổi về hành vi, ngôn ngữ và trí nhớ. Hầu hết người chăm sóc cho người thân mắc bệnh Alzheimer hoặc các bệnh sa sút trí tuệ khác đều có các thắc mắc về bệnh.
Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ các gia đình Việt Nam chăm sóc cho người thân bị sa sút trí tuệ, các thành viên trong chương trình đã xây dựng nên cuốn Cẩm nang cho Người chăm sóc dựa trên bản gốc của chương trình hỗ trợ người chăm sóc tại Mỹ nhưng có sửa đổi để phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Cuốn Cẩm nang gồm hai phần:
- Phần 1 là các thông tin về cách quản lý các triệu chứng và hành vi của người bệnh.
- Phần 2 là các thông tin giúp người chăm sóc có thể quản lý tốt hơn các vấn đề sức khỏe và căng thẳng hằng ngày của họ.
Người bệnh có thể có nhiều thay đổi về hành vi như việc lặp đi lặp lại các câu hỏi. Người bệnh có thể không nhận ra người nhà hoặc mất dần các khả năng thực hiện các công việc hàng ngày từ những việc phức tạp như mua sắm, rút sổ tiết kiệm đến những việc đơn giản như tắm rửa. Cuốn Cẩm nang này sẽ giúp người chăm sóc giải quyết các vấn đề này.
Trong phần 1 của cuốn cẩm nang, người chăm sóc sẽ tìm thấy các thông tin liên quan đến các vấn đề về luật pháp như di chúc và việc thừa kế để giúp sắp xếp cho tương lai của người bệnh. Việc nhận thức sớm các vấn đề này có thể giúp ngăn ngừa rắc rối khi tình trạng bệnh trở nên xấu hơn và người bệnh không còn khả năng ra quyết định. Quyết định liên quan đến các vấn đề này sẽ đảm bảo rằng ông/bà tôn trọng các mong muốn của người bệnh và sẽ giúp ông/bà yên tâm khi bệnh tiến triển. Sử dụng mục Giải quyết Vấn đề để tiếp cận với từng hành vi và thử các biện pháp giải quyết khác nhau. Để đảm bảo rằng người bệnh được an toàn và bảo vệ ở trong nhà và khu vực xung quanh, người chăm sóc cần để mắt đến các khu vực an toàn trong nhà và các khu vực xung quanh do một số triệu chứng của sa sút trí tuệ như đi lang thang, lú lẫn và quên. Trong cuốn Cẩm nang này, người chăm sóc sẽ tìm thấy các thông tin như sau: sự quan trọng của máy báo khói, cất giữ các chất và vật dụng nguy hiểm, tầm quan trọng của việc sử dụng vòng đeo tay xác định danh tính hoặc các phương pháp để xác định danh tính khác, kiểm soát việc hút thuốc của người thân, an toàn trong bếp ăn, các hướng dẫn giám sát hằng ngày, các rủi ro của việc đi lang thang và sự nguy hiểm khi cho phép người bệnh lái xe.
Chăm sóc người thân mắc bệnh Alzheimer 24h/ngày có thể khiến người chăm sóc kiệt sức cả về thể chất và tinh thần. Có rất nhiều người chăm sóc gạt các nhu cầu cá nhân của bản thân khi chăm sóc người thân, khiến cho họ có nguy cơ cao về các vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng. Bởi vì là người chăm sóc, nên ông/bà có nghĩa vụ đối với người thân của mình. Nhưng những nhu cầu của bản thân ông/bà cũng vô cùng quan trọng và ông/bà cũng có nghĩa vụ chăm sóc chính bản thân mình. Việc mà thể hiện sự yêu thương và trách nhiệm của ông/bà đối với người thân của mình chính là việc ông/bà sống khỏe mạnh nhất có thể trong khi chăm sóc họ. Trong phần 2 của Cẩm nang này, ông/bà sẽ tìm thấy thông tin giúp ông/bà xử lý tốt hơn các vấn đề sức khỏe và căng thẳng hằng ngày. Mục Suy nghĩ Tích cực cung cấp phương pháp giải tỏa các lo âu khi đối mặt với các thay đổi về hành vi của người bệnh.
Giao tiếp tốt là rất quan trọng khi chăm sóc người mắc bệnh sa sút trí tuệ. Việc không thể giao tiếp với bác sĩ, nhân viên y tế, gia đình và bạn bè có thể làm tăng căng thẳng của ông/bà. Mục Giao tiếp với Nhân viên Y tế sẽ cung cấp các phương pháp để trao đổi thông tin với bác sĩ của người bệnh về các vấn đề sức khỏe và các câu hỏi. Bởi vì bệnh sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các chỉ dẫn và trao đổi các nhu cầu của người bệnh, nên mục Giao tiếp với Người mắc bệnh sa sút trí tuệ sẽ cung cấp các phương pháp để người chăm sóc và người bệnh có thể hiểu nhau hơn. Mục Yêu cầu Giúp đỡ sẽ cung cấp các gợi ý cụ thể để có thể yêu cầu hỗ trợ và giúp đỡ.
Cuốn Cẩm nang này phục vụ mục đích rất quan trọng. Có thể coi đây là nơi tập trung tất cả các tài liệu về chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ. Hãy để sách ở nơi dễ thấy để các thành viên khác trong gia đình luôn tìm được khi cần tham khảo.
Dưới đây là một số điều cần nhớ khi sử dụng cuốn Cẩm nang:
- Đừng cố thử quá nhiều việc cùng một lúc.
- Kiên nhẫn với những việc mà ông/bà thử. (Đừng chỉ thử một ngày, mà nên cố gắng thực hiện điều này vào những ngày tiếp theo).
- Dành thời gian thực hiện để những thử nghiệm mới có hiệu quả.
- Nếu như các việc mà ông/bà thử khiến cho tình trạng tệ hơn, hãy dừng lại.
- Nói chuyện với bác sĩ nếu như có vấn đề xảy ra.